Thứ Tư, 6 tháng 10, 2010

Tn: Lũ ( riêng tặng những blogger "vô cảm với niềm vui lễ hội")

Rating:
Category:Other

chờ xác người thân.



Nó ghét những cơn mưa tầm tả, ghét nhìn những dòng nước cuồn cuộn chảy. Nó ghét mùa mưa và sợ...sợ nghe đến hai từ LŨ-LỤT.
Bây giờ nó sống ở thành phố. Mưa...đối với mọi người chỉ là chuyện kẹt xe, ngập nước.
Lũ, lụt chỉ là chuyện quyên góp từ áo quần cũ, đến tiền bỏ ống của con nít đến người già để gởi đến những người dân quê vài gói mì. Mà thường thì những gói mì ấy sẽ đến tay họ vào mùa khô hạn. Sau khi đã nằm ở ngân hàng nào đó để đẻ ra ít lãi cho ai đó!? Và chờ mấy hãng mì sản xuất sau khi đã vét hết hàng tồn kho vào đầu mùa lũ lụt.

Mỗi lần nghe đến lũ lụt, cứ như có những mũi dao xuyên vào tim nó! Tất cả những cảm giác đau đớn hụt hẫng ấy lại quay về. Như đang hiện hữu. Như đang là thực tại.
Thời còn bé, lũ lụt là những ngày rất vui. Này nhé: Được nghỉ học, được dầm mưa, lội nước, bắt dế, săn chuột...
Cái bếp củi cháy leo lét trên cái gác gỗ, ngay dưới mái tranh vừa là chỗ nấu cơm, nướng khoai sim*, nướng dế, nướng ếch...Nướng tần tật thứ gì lũ trẻ con chúng nó bắt được, moi được từ dưới mảnh đất đầy sỏi của miền trung du miền Trung. Cái xứ mà người ta gọi là "chó ăn đá, gà ăn sỏi" quê hương của nó.
Chắc chắn là chó không ăn được đá gà chẳng ăn được sỏi rồi. Nhưng chẳng biết chúng lượm, nhặt được những gì có thể bỏ vào bụng để sống, trên cái xứ cằn khô này? Nhưng chúng vẫn sống, chỉ săn chắc, nhỏ bé hơn con vật cùng giống loài thôi.
Cũng như lũ trẻ con chúng nó, đen quắt nhưng mạnh khỏe với những thứ gọi là thực phẩm từ những mầm khoai sim cắm vào bất cứ góc khe nào có chút đất. Bất cứ con côn trùng, con vật nào bắt được ...
Chúng nó chẳng bao giờ bệnh, dù quanh năm suốt tháng chỉ có cái quần đùi che thân, cứ như thời An dương Vương. Cả lũ chúng nó đều là Trần Minh khố chuối.
Nó cứ hồn nhiên vô tư như vậy mà lớn lên giữa đất trời, không hề biết đến nỗi lo thắt lòng của mẹ cha.
Nhưng nỗi lo đó có lẽ chẳng phải chỉ có mùa lũ lụt mới đến với những người như cha mẹ nó. Họ đã mang theo nỗi lo lắng, tất bật đó từ thời là những người dân thành phố tay trắng mặc trơn, dắt nhau lên vùng núi này theo diện kinh tế mới.
Cứ như An Tiêm và nàng Hoa, họ dựng lên những túp lều, lấy nước từ khe suối. Nhặt hái, săn bắt như người nguyên thủy, rồi trồng trọt, chăn nuôi như loài người đã tiến hóa. Họ sinh con, đẻ cái theo cái kiểu "truyền thống" của người dân tộc thiểu số sống trong núi rừng.
Khổ một cái là họ đã sinh ra và lớn lên trong một môi trường văn minh, họ được học hành, và giờ đây họ phải quay về với cuộc sống trần trụi giữa thiên nhiên. Nên họ chẳng vô tư như người thiểu số được.
Sâu tận đâu đó trong họ, ước muốn mãnh liệt : con cái của họ sẽ được ăn học và sống trong điều kiện văn minh của loài người.
Chỉ mẹ nó mới được nhìn thấy hình ảnh người thanh niên trắng trẻo, trí thức của ba nó. Và chỉ ba nó mới nhìn thấy người thiếu nữ xinh đẹp của mẹ nó. Còn với nó, từ lúc bé cỏn con, ba nó đã là người đàn ông gầy khô, đen đúa. Mẹ nó đã là người phụ nữ còm cõi với búi tóc dài lốm đốm bạc, như tất cả những người đàn ông đàn bà chung quanh cái xóm núi.
Ba nó suốt ngày cắm đầu lo cho những cây quế, cây dó** chỉ cao hơn đầu nó. Ông không có thời gian chăm đến ba đứa con. Mọi việc nhà và cuộc sống gia đình chỉ dựa vào thu nhập từ việc chăn nuôi, trồng trọt của mẹ. Chị nó thì thu tóm việc nhà, từ hái lượm đến nấu nướng tất cả những gì có thể ăn được cho cả nhà. Chị nó là đứa bé gái còm nhom, còm nhom và chậm lớn hơn cả nó nữa. Và em gái nó, đứa trẻ suy dinh dưỡng chỉ giỏi việc khóc nhè làm chị nó thêm bận rộn!
Nhiều khi nó thầm oán trách cha nó vì những công việc hình như rất vô tích sự mà ông làm. Sao ông không đi săn bắt để chúng nó có những bữa thịt như lũ trẻ con hàng xóm? Sao ông không làm rẫy trồng khoai, trồng khóm như mọi người? Ông cứ mãi miết chăm bón những thứ cây chẳng ra trái gì ăn được?
Cực thân nhất là chúng nó phải đi học, điều mà lũ trẻ quanh xóm không cần phải làm. Hoặc chỉ cần phải đến cái trường làng để tụ họp đá banh, đánh đáo sau khi đã ê a mấy chữ cho xong cái chương trình xóa mù chữ hay còn có tên gọi rất hàn lâm là: Phổ cập tiểu học.
Chúng nó phải lặn lội xuống xã dưới, ròng rã leo đèo, vượt suối mấy năm trời để xong cái cấp trung học cơ sở. Cực lắm, cực cái khoản cuốc bộ cả chục cây số trên những con đường mòn lầy trơn, hay dốc đứng, dù nắng như đổ lửa hay mưa như trút nước thôi. Chứ chuyện học hành với chị em nó chẳng có gì cực khổ, chúng nó học như được uống nước khi khát. Bất cứ cái gì thầy cô dạy đều in trong trí như in vào giấy trắng. Chị em nhà nó học giỏi nhất trường.
Thế rồi hết chị nó, đến lượt nó được tuyển vào trường chuyên. Cái trường danh giá nhất thành phố, danh giá nhất miền Trung: Lê Quí Đôn.
Khăn gói quả mướp, chị em nó xuống phố như Mán về xuôi. Được ở trọ nhà bạn của cha nó thời sinh viên. Bữa đói bữa no, ít khi có chiếc áo lành...Nó ăn chữ thay cơm! Ba năm cấp ba, chị em nó vẫn giữ nguyên thân hình của những đứa trẻ tiểu học, còm nhom! Màu da đen đúa cũng giữ nguyên như từ trong máu đen ra. Khi nó vào lớp cuối cấp, thì chị nó phải nghỉ học, dù điểm tốt nghiệp đủ tuyển thẳng vào bất cứ trường đại học nào! Nhường cơ hội cho thằng em trai.
Cha mẹ nó không kham nổi việc học của cả hai.
Cha nó đang đổi mạng để giữ giấc mơ cuối cùng của ông: Thằng con trai duy nhất phải vào đại học. Ông chăng võng ngủ giữa rừng để canh chừng những cây còn lại.
Những cây quế, cây dó giữa rừng đã đủ lớn để thực hiện giấc mơ của ông Nhưng...Ông bất lực nhìn từng cây bị chặt trộm! Người ta tước từ bàn tay ông những giọt mồ hôi đã chắt chiêu suốt hai chục năm ròng dành cho tương lai những đứa con.
Và...Em gái nó, đứa trẻ không được chờ mong, cứ ốm yếu quặt quẹo như những cơn sốt rừng của cha nó.
Nó được tuyển thẳng vào trường đại học. Vẫn còm nhom như đứa trẻ, vẫn đen đúa như người gốc Ấn. Nhưng nó không còn vô tư như đứa trẻ, nó hiểu hết gia cảnh của nó, nó biết ước mơ của cả gia đình đặt vào cuộc đời nó.
Nó cắm cúi học, không còn dễ dàng như in chữ. Nó nhận làm bất cứ việc gì người ta thuê mướn nó. Nó dạy kèm, bưng bê ở quán ăn, phụ hồ... Nó vắt kiệt sức của cái thân còm cõi...Để nuôi chính cái thân ấy.
Cho đến ngày nó ói ra máu!
Thuốc trị lao được phát miễn phí, nhưng nó phải đạp xe đi nhận hàng ngày. Nó không được làm bất cứ việc gì để có thể trả tiền trọ và tiền ăn. Chắc phải bỏ học, dù năm nào cũng được nhận học bổng nên khỏi lo học phí.
Nó biết nó phải chữa cho khỏi bệnh, và có thể làm lại từ đầu. Nhưng chắc chắn đó sẽ là cú đánh làm cha nó gục xuống mãi mãi!
Nó muốn chết! Nhưng đó cũng không phải là điều nó được lựa chọn. Nó là hy vọng cuối cùng của cả gia đình. Cái gia đình đang sống khuất lấp, mòn mõi trong xóm núi!
Đám bạn nó chết sững khi nghe nó nói. Chúng nó, cái lũ bạn học trong cái trường chuyên miền Trung đó, đa số điều có hoàn cảnh như nó. Con nhà nông, nông dân của cái xứ hai mùa hạn và lũ. Kiếm cái ăn qua ngày đã là khó, nên được đi học, lại trèo lên đến cái bậc đại học thì...Chẳng khác nào "đũa mốc mà chòi mâm son".
Chẳng biết chúng nó bàn bạc ra sao. Những cái lá rách chồng lên nhau, che chắn nhau, để đùm bọc lấy chính nhau. Rồi nó cũng xong bậc đại học với biết bao nhiêu món nợ ân tình. Phần thưởng nó dành cho đám bạn là nó đã khỏi bệnh hoàn toàn, cùng với tấm bằng tốt nghiệp thủ khoa. Lẽ ra nó đã có thể bắt đầu làm việc để giúp đỡ gia đình nếu nó không nhận được học bổng toàn phần để đi du học.
Chẳng có lựa chọn nào cả, khi với gia đình và bạn bè thì khoản học bổng đó là cơ hội ngàn năm, là con đường mở ra tương lai sáng tươi cho nó. Cha mẹ nó, chị em nó rạng ngời trong hạnh phúc. Cha mẹ nó như trẻ ra, ánh nhìn đã hết u uất.
Đó là phúc hay họa?
Nếu có cơ hội được làm lại. Nếu thời gian quay ngược, nó có thể thay đổi điều gì không?
Chiếc vé máy bay để nó ra nước ngoài là tất cả các khoản chắt chiu, nín nhịn mà gia đình, bạn bè nó gom góp lại. Vì thế chuyện về thăm gia đình mỗi năm là điều không tưởng. Nó cắm đầu học và làm việc, nên thời gian trôi qua nhanh chóng, chẳng có mấy khi có chút thời gian rảnh để dành cho nỗi nhớ. Ngay cả nỗi nhớ đối với nó cũng là xa xí phẩm.
Lấy được bằng rồi, nó nán lại làm việc cho đến cận tết. Nó muốn cho gia đình một cái tết đầy đủ, huy hoàng. Muốn đãi lũ bạn một bữa tiệc trả nợ áo cơm. Muốn ra mắt bạn bè với hình ảnh mà chúng mong muốn ở cái thằng bạn còm.

Nó xuất hiện ở cổng ra sân bay, khác xa với thời đám bạn tiễn nó đi với chiếc ba lô có dăm bộ áo quần, với cái áo lạnh cũ bạn cho, khoác trên tay.
Nó trắng trẻo hẳn ra, cái khí hậu mát lạnh ở xứ người đã tẩy cái màu da của thằng bé núi rừng. Giống như dậy thì muộn, cái thân hình còm cõi của đứa bé đã theo suốt nó cả thời ở giảng đường đại học. Giờ đã phổng phao, đầy đặn như mọi thanh niên cùng lứa. Những cái va li căng phồng chứa đủ thứ mà nó ky cóp được để làm quà suốt mấy năm qua. Nó ra dáng Việt kiều lắm.
Đám bạn ùa tới, đứa bắt tay, đứa ôm chầm lấy nó. Nó cười toạt cả miệng. Đẩy từng đứa ra để ngắm. Có đứa vẫn tong teo như thời sinh viên, có đứa đã mang bụng bia như đại gia thành đạt, có cô bạn gái mang cả bụng bầu, có đứa vắng mặt vì còn bận trèo lên cấp học cuối cùng. Ôi! Bạn bè của nó. Những đứa của lớp chọn, trường chuyên của miền Trung nghèo khó! Nó như ở trên mây.
Chính trong giây phút ngây ngất đó, nó chợt nhận ra ở chúng nó, tất cả chúng nó có điều gì đó? Và từ giây phút đó tất cả đều lặng đi. Không ai nói, không ai cười và không ai nhìn vào mắt nó!
Chỉ quảng đường từ sân bay ra xe, mà sao như dài thăm thẳm. Xe không về nhà bạn như nó tưởng. Kế hoạch là nó sẽ ở lại Sài Gòn chơi với bạn vài ngày. Sau đó sẽ về thẳng nhà ăn tết với gia đình, đến sau tết mới tính đến việc làm.
Vậy mà lũ bạn chở nó đến một quán cafe ở gần sân bay Tân sơn Nhất. Rồi rất lẳng lặng chúng nó vào quán, chọn chỗ ngồi, lặng lẽ ngồi xuống...Không ai nói với nó, không ai nhìn thẳng nó. Nó lạnh người!
Cái ồn ào vui vẻ mỗi khi có dịp rủng rỉnh vào quán ngày xưa đâu rồi?
Sự im lặng nặng nề ngột ngạt, nó hết sức hoang mang.
Rồi như không chịu nỗi sự ngột ngạt đó, Thảo cúi đầu giấu nước mắt. Nó liên tục đặt ra những câu hỏi. Mọi cái nhìn đều lạc đi đâu? Chẳng ai nhìn nó và trả lời. Cuối cùng thằng Thái đứng lên móc từ trong túi ra một cái vé máy bay, ngồi xuống vân vê cái vé, nhìn và nói với cái vé, giọng nói cứ ngắt quảng :
- Tao lấy vé máy bay để chút nữa mày về luôn, tao canh để mày xuống gặp tụi tao, nói chuyện với nhau một chút rồi mày phải về nhà mày liền, vì...
Lẽ ra phải gọi mày về liền khi đó, mà...mày cũng biết rồi...Ai cũng sợ mày bỏ dỡ việc học...Mày phải hiểu là...tụi tao không có quyền quyết định. Tụi tao phải nghe lời ba mày. Mà...mày ...
Tiếng khóc như vỡ ra, tất cả tụi nó cùng khóc, khóc như cha chết. Nó hoang mang nhìn sáu đứa bạn đang nức nở. Nó hỏi dồn dập:
- Chuyện gì? Chuyện gi? Tụi mày nói đi.
Thằng Thái lại lên tiếng, nó đã gỡ mắt kính ra, vừa chùi mắt vừa nói:
- Mẹ và chị mày mất rồi Thắng à!
Như có tiếng sấm vang đâu đó, đất như sụt xuống dưới chân nó. Nó nấc lên khóc òa. Câu chuyện vọng vào trí nó như một cảnh trí xa vời, như ai đang nói từ đâu vọng lạ
Hơn hai năm trước, vào mùa bão lũ. Cha nó ở ngoài trại giữa rừng giữ quế, em gái nó trọ học ở xã dưới. Một cơn lũ đã quét qua xóm núi.
Cha nó đã điên cuồng đào bới cái đám đất đá ở chỗ trước kia là nhà của ông. Ông vẫn tiếp tục đào vào đất núi hàng tháng trời sau đó, nhưng...chẳng bao giờ tìm thấy vợ con ông nữa. Cơn lũ đã mang họ đi đâu không rõ. Đơn giản thế đó. Họ mất đi không dấu vết. Ông đã lang thang khắp vùng rừng núi, xuống cả vùng hạ lưu, đi dọc theo những con sông lớn, ra tận cửa biển. Như người điên, chỉ mong tìm được xác vợ con. Người đàn ông điên rồ đó vẫn còn chút tỉnh trí để chừa lại cho niềm hy vọng của đời ông. Ông đã yêu cầu không ai được để con trai ông biết tin, ông không muốn có thêm một người bạn đồng hành.
Đó là lý do đám bạn nó tránh gặp nó trên net, chỉ vài dòng tin nhắn thăm hỏi, làm như tất cả chúng nó đều tất bật vì công việc, vì gia đình.
Chẳng có đám tang nào cả. Ba nó lại dựng lên một ngôi nhà để có nơi đặt bàn thờ mẹ và chị nó. Để mỗi ngày ông lại lặn lội từ rừng về thắp nhang.

Chuyến về như đi trong mơ. Nó gục đầu khóc trước bàn thờ mẹ và chị, tự nguyền rủa bản thân, vì chị nó đã nhường xuất đi học cho thằng em. Nó đốt những vật dụng mua về làm quà cho mẹ, cho chị trước bàn thờ. Nó gào khóc đến khản giọng, đến cạn nước mắt.
Nếu...nếu...Ước gì nó có được một chữ nếu để thay đổi mọi việc.
Nó vào lại thành phố lao đầu vào công việc như để trả thù. Nó sẽ không để cơn lũ rừng cướp đi cha và em gái nó. Như đã lạnh lùng cướp đi mẹ và chị nó.

Nó đã mua nhà ở thành phố, đưa cha và em gái nó vào để phụng dưỡng.Lập bàn thờ mẹ và chị nó. Nó dành cho cha và em nó tất cả những gì nó có thể có được, như để trả thù những gì mẹ và chị nó không được nhận.
Ngay cả khi say khướt, lảo đảo về nhà, nó cũng thắp nhang cho mẹ và chị nó, lẩm bẩm nói với họ, trước khi lăn đùng ra ngủ.
Nó thề không bao giờ để cho người thân của nó phải chị đựng mất mát đau thương, vì đói nghèo.
Nó căm thù những cơn bão lũ, nó ghét những cơn mưa ầm ầm như trút nước. Tiếng mưa ầm ầm như dựng lên trước mắt nó cảnh đất đá đổ tràn, lấp trên người mẹ nó, ép trên ngực chị nó, rút những hơi thở cuối cùng của họ ra khỏi lồng ngực...Rồi nước trút xuống như thác đổ, xói, cuốn thân xác họ băng băng, quăng quật..qua những bị bụi cây, khe suối...Rồi vùi lấp họ ở khe hốc nào đó mịt mù, xa thẳm, hoang vu...
Hình ảnh đó hiển hiện trong tâm trí nó ngay cả khi nó thức, hay chỉ đến vào những giấc mơ? Nó cũng không biết nữa.
Nó chỉ biết điều đó sẽ không bao giờ lặp lại trong đời nó.
Bão- lũ lại đang đến. Năm nào cũng đến, như không cho phép nỗi đau đó phai đi một chút nào trong nó.
Những thằng bé còm cõi khác đang mất mẹ, mất cha như nó năm nào.
Những cơn bão lũ ngày càng cướp đi nhiều người hơn trước.
Chỉ là những con số, không kèm theo tên-họ. Lạnh lùng như năm nào chỉ có một dòng tin nhỏ nói về cái chết của mẹ và chị nó.
Cái ẩn số x người mất tích, bao hàm bao nhiêu nỗi đau đớn mất mát?
Nó nhìn hình ảnh nước lũ mênh mông, nhìn những ngôi nhà lút mái, nhìn những đám đất sạt lỡ... Nó dụi mắt. Đôi mắt đã khô từ ngày khóc mẹ, khóc chị.
Nó đứng lên, chợt ôm lấy ngực mình. Cảm giác nhói đau, chẳng biết vì vết sẹo cũ hay là vì nhát dao mới. Không thể ốm đau được, nó còn nhiều việc phải làm.
Nó. Người đàn ông trung niên, thành đạt và giàu có.Nhưng không hề hấp dẫn với cánh phụ nữ nên vẫn sống độc thân, vì có cả đàn con nuôi.
Những đứa trẻ mất gia đình trong bão-lũ.

Nó nhìn những hình ảnh tưng bừng lễ hội, những bộ cánh sang trọng, những khuôn mặt tươi cười hả hê. Cái gì bỗng nhiên cuộn lên, nén đầy ngực đến ngột ngạt tê người, rồi trào ngược lên chặn cứng ngang cổ họng đến nghẹn thở, nó hét lên như người điên, xé nát những tờ báo rồi vứt xuống đất, dẫm đạp lên điên cuồng, như có thể dẫm nát những nụ cười, khuôn mặt hả hê đó. Khốn nạn thật!
Nó, kẻ vô cảm.
Ừ! Vô cảm thật!
Từ rất lâu không biết đến niềm vui.
Không thể cảm nhận niềm vui.
Trái tim chỉ còn cảm nhận được nỗi đau.

*khoai sim: Một loại khoai mì nhỏ trồng trên đất núi.
** cây dó: Loại cây ngậm trầm ở những vết thương.
SG 07.10.2010


12 nhận xét:

  1. Đù má ! P....mày làm tao ướt hết mặt! Tại sao câu chuyện đau quá ngay lúc này hở mày...mày biết tao là con dễ khóc cơ mà...tao ghét mày quá P ơi!

    Trả lờiXóa
  2. Ừ! Thì nỗi đau nó trở lại hàng năm mà.
    Dành tặng cho blogger "vô cảm với niềm vui"

    Trả lờiXóa
  3. Hic... đã rầu đọc xong truyện này thì... !!!

    Trả lờiXóa
  4. Đọc lại lần thứ hai vẫn khóc!

    Đoạn trường ai có qua cầu mới hay (*)

    Trả lờiXóa
  5. Ám ảnh và thật đến tê dại (!)

    Trả lờiXóa
  6. P lấy được những giọt nước mắt hiếm hoi của B rồi đó P ơi !

    Trả lờiXóa
  7. BT thì cả chục năm nằm ngủ trên lụt thấm lắm rồi!

    Trả lờiXóa